Cuộc đời Mã_Minh

Mã Minh sinh ra trong một gia đình theo Bà-la-môn giáo ở Saketa, miền Bắc Ấn Độ. Ông được tổ thứ 10 của Thiền tông Ấn Độ là Bà-lật-thấp-bà (sa. pārśva) giác ngộ và chuyển sang theo Phật giáo. Tác phẩm quan trọng nhất của sư là bộ Hi khúc Xá-lợi tử, Phật sở hạnh tán, bộ Tôn-già-lợi Nan-đà. Sư cũng được xem là tác giả của bộ Đại thừa khởi tín luận. Tác phẩm nổi tiếng nhất của sư là quyển Phật sở hạnh tán (Cuộc đời Đức Phật) thi phẩm nổi tiếng về kể cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được viết bằng thơ Sanskrit. Với thiên tài thi ca Sanskrit vô tiền khoáng hậu,[1] Mã Minh đã góp phần đưa văn học Sanskrit Phật giáo đến đỉnh cao văn chương và triết lý. Và đây cũng là một trong những kiệt tác của văn học phương Đông.

Các tác phẩm của Sư đọc rất dễ hiểu và có nhiều ẩn dụ. Thí dụ như chuyện Tôn-già-lợi Nan-đà "chàng trai tuấn tú Nan-đà" người tuy đã vào chùa đi tu nhưng vẫn còn thương yêu người vợ. Chỉ sau nhiều lần giảng dạy của Phật, chàng mới hết nghiệp yêu thương và sống viễn li. Mã Minh được xem là một trong bốn vị minh triết Phật giáo, được xếp vào "bốn mặt trời chiếu rọi thế giới". Ba vị kia là Long Thụ, Thánh ThiênCưu-ma-la-đa (sa. kumāralāta, một Đại sư của Kinh lượng bộ).